
Bạn có từng nghe nói về SDGs chưa?
“SDGs” là viết tắt của Các mục tiêu phát triển bền vững. Năm 2015, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua 17 Mục tiêu phát triển bền vững cần đạt được vào năm 2030.
SDGs được thực hiện dựa trên ý thức mạnh mẽ về khủng hoảng: Những người nghèo đang bị bỏ quên, môi trường toàn cầu ngày càng trở nên tồi tệ, và nếu chúng ta không làm gì cả, cuối cùng thế giới sẽ sụp đổ.

“Bền vững” có nghĩa là thứ gì đó có thể tồn tại mãi mãi.
SDGs nhằm tạo ra những cách sống tốt hơn mà không phá hủy môi trường và tài nguyên cho tương lai.
Tất nhiên, điều quan trọng là các nhà lãnh đạo của các quốc gia và công ty phải làm việc cùng nhau để đạt được những mục tiêu này.
Nhưng chúng ta cũng cần suy nghĩ và thảo luận về SDGs, và sống theo cách giúp ích cho người khác và cho Trái đất. Hãy cùng xem qua 17 mục tiêu.

Mục tiêu 1: Xóa nghèo
Mục tiêu là chấm dứt nghèo đói dưới mọi hình thức, trên toàn thế giới. Giải quyết vấn đề nghèo đói mà mọi người không có đủ thức ăn để sống là bước đầu tiên. Mục tiêu này không chỉ là thức ăn và nước uống; mà bao gồm cả việc đảm bảo mọi người đều có công việc và nơi để sống, khả năng tiếp cận bệnh viện, và cơ hội để nói những gì họ nghĩ hoặc sử dụng các kỹ năng mà họ có.


Mục tiêu 2: Không còn nạn đói
Đói là tình trạng suy dinh dưỡng xảy ra khi bạn không ăn uống hợp lý trong một thời gian dài. Mục tiêu này nhằm đảm bảo tất cả mọi người, từ trẻ em đến người già, đều có đủ thức ăn với đủ chất dinh dưỡng. Mục tiêu là để bảo vệ môi trường và sự đa dạng của cây trồng (có nhiều loại khác nhau có sẵn), đồng thời tăng sản lượng lương thực ổn định.


Mục tiêu 3:Sức khỏe và có cuộc sống tốt
Mục tiêu là để mọi người được khỏe mạnh, phòng ngừa bệnh tật và được tiếp cận với các dịch vụ điều trị y tế đầy đủ. Phụ nữ có thể sinh con một cách an toàn, và thuốc hoặc vắc xin có sẵn cho tất cả mọi người. Mục tiêu này cũng bao gồm giảm thương tích hoặc tử vong do tai nạn và ô nhiễm không khí, nước và đất.


Mục tiêu 4:Giáo dục có chất lượng
Mục tiêu là cung cấp giáo dục chất lượng cao bình đẳng cho tất cả mọi người, với các cơ hội học tập suốt đời. Cung cấp các trường học an toàn, dễ tiếp cận và tăng số lượng giáo viên có trình độ sẽ giúp đạt được điều này. Điều quan trọng là phải tiếp tục giáo dục ngay cả khi đang xảy ra xung đột và thảm họa.


Mục tiêu 5: Bình đẳng giới
Mục tiêu là trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái để ngăn chặn sự phân biệt đối xử với họ. Các cách thực hiện mục tiêu này bao gồm ngăn ngừa tổn hại về thể chất, tình cảm và tình dục đối với phụ nữ; coi trọng công việc nhà; bảo vệ các quyền của phụ nữ liên quan đến việc mang thai và sinh con; và khuyến khích sự tham gia bình đẳng vào chính trị, kinh tế, v.v...


Mục tiêu 6:Nước sạch và vệ sinh
Mục tiêu là cung cấp cho mọi người nước sạch và một môi trường lành mạnh thông qua việc quản lý vệ sinh đúng cách. Điều này khiến cho việc quản lý nước tốt và xử lý rác cho mọi người và các bước để tái sử dụng nước là điều cần thiết.


Mục tiêu 7:Năng lượng sạch với giá thành hợp lý
Mục tiêu là cung cấp năng lượng đáng tin cậy, giá rẻ cho mọi người, không chỉ từ gỗ hoặc than mà còn từ các nguồn điện hoặc khí đốt mới.Tận dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhiều hơn (như ánh sáng mặt trời, gió, sông chảy và thủy triều) và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng là yếu tố quan trọng.


Mục tiêu 8:Công việc tốt và tăng trưởng kinh tế
Công việc tốt có nghĩa là mọi người đều có khả năng hoàn thành công việc mang lại lợi ích cho tăng trưởng kinh tế đồng thời bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Mục tiêu là để chấm dứt tình trạng lao động trẻ em gây tổn hại đến tinh thần và thể chất của trẻ em dưới 18 tuổi bị ép buộc lao động.


Mục tiêu 9:Công nghiệp, sáng tạo và phát triển hạ tầng
Cơ sở hạ tầng có nghĩa là các tòa nhà, phương tiện giao thông, dịch vụ, v.v... mà mọi người cần trong cuộc sống hàng ngày của họ. Các ví dụ khác là hệ thống cung cấp nước, đường sắt, khí đốt, điện và mạng Internet. Mục tiêu là xây dựng cơ sở hạ tầng chống chịu thảm họa, khuyến khích phát triển kinh tế bền vững và toàn diện, đồng thời giúp đưa ra các công nghệ mới dễ dàng hơn.


Mục tiêu 10:Giảm bất bình đẳng
Mục tiêu là giảm bất bình đẳng hoặc khác biệt giữa các quốc gia và trong nội bộ quốc gia. Bất bình đẳng có thể được loại bỏ bằng cách nâng cao thu nhập của người nghèo và loại bỏ các luật lệ và tập quán phân biệt đối xử với những kiểu người cụ thể.


Mục tiêu 11:Các thành phố và cộng đồng bền vững
Mục tiêu là tạo ra các thành phố và cộng đồng - nơi mọi người sống trong những ngôi nhà an toàn, chất lượng tốt, có thể sử dụng nước, điện và các dịch vụ thiết yếu khác. Cộng đồng phải chống chịu được thảm họa. Và họ phải giám sát ô nhiễm không khí và quản lý chất thải đồng thời cung cấp khả năng tiếp cận các dịch vụ an toàn và dễ dàng cho trẻ em, người già và những người dễ bị tổn thương khác.


Mục tiêu 12:Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm
Mục tiêu là để đảm bảo các nguồn tài nguyên không bị lãng phí khi mọi thứ được tạo ra và sử dụng. Những cách quan trọng để đạt được điều này bao gồm giảm một nửa chất thải thực phẩm trên toàn thế giới; giám sát các hóa chất độc hại thải ra khi chế tạo sản xuất để ngăn ngừa ô nhiễm nước, không khí và đất; và áp dụng 3T (tiết giảm, tái sử dụng, tái chế) để giảm thiểu chất thải.


Mục tiêu 13:Hành động về khí hậu
Biến đổi khí hậu đang diễn ra do sự phát thải khí cacbon đioxit (CO2) và các chất khác bởi con người đang làm cho Trái đất nóng hơn và thay đổi thời tiết. Trọng tâm là hành động ngay bây giờ để chuẩn bị cho các vấn đề biến đổi khí hậu và các thảm họa tự nhiên do biến đổi khí hậu gây ra.


Mục tiêu 14: Tài nguyên và môi trường biển
Hầu hết ô nhiễm đại dương là do những việc con người làm trên đất liền. Mục tiêu là giảm thiểu ô nhiễm đại dương, chấm dứt tình trạng đánh bắt bất hợp pháp làm tổn hại đến môi trường và đảm bảo các nguồn tài nguyên của biển có thể được sử dụng bền vững.


Mục tiêu 15:Tài nguyên và môi trường trên đất liền
Bảo vệ rừng và ngăn chặn sự mở rộng của sa mạc có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo tồn và tái tạo các hệ sinh thái đất liền (nói cách khác là động vật và môi trường chúng sinh sống) và đối với việc sử dụng chúng một cách bền vững. Các loài có nguy cơ tuyệt chủng phải được bảo vệ và ngăn chặn sự mất đa dạng sinh học.


Mục tiêu 16: Hòa bình, công lý và các thể chế mạnh mẽ
Mục tiêu là tạo ra xã hội hòa bình và hòa nhập, trong đó mọi người đều có quyền tiếp cận luật pháp (tòa án và thủ tục pháp lý), và đảm bảo rằng các thể chế công bằng hoạt động ở cấp độ cộng đồng, quốc gia và toàn cầu.


Mục tiêu 17:Quan hệ đối tác vì các mục tiêu
Mục tiêu là đảm bảo rằng tất cả các quốc gia làm việc cùng nhau để đạt được Mục tiêu từ 1 đến 16. SDGs phải được đưa vào các kế hoạch quốc gia trong khi các bước lớn hơn được thực hiện để đạt được chúng. Mỗi quốc gia cần suy nghĩ về những hành động mà mình có thể thực hiện và cách thức sử dụng các nguồn lực tài chính của mình để đạt được các mục tiêu.Các nước phát triển có thể giúp đỡ các nước đang phát triển trong nỗ lực của họ.


Ghi chú: Trang web “SDGs là gì?” của chương trình Trường học dành cho trẻ em Panasonic được tạo ra với sự hợp tác của Tejima Toshio, Phó chủ tịch Hiệp hội ESD Nhật Bản, và có tham khảo các trang web giải thích Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trong Trung tâm Thông tin Liên hợp quốc và các trang web của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em.