Triết lý kinh doanh cơ bản của Tập đoàn Panasonic 1. Sứ mệnh của doanh nghiệp

Tại sao doanh nghiệp tồn tại? Nhà sáng lập Matsushita Konosuke của chúng tôi tin rằng vai trò và sứ mệnh của doanh nghiệp là đáp ứng mong muốn “sống một cuộc sống thịnh vượng và sung túc hơn” của mọi người.

Nói cách khác, ông cho rằng sứ mệnh cơ bản của doanh nghiệp là đóng góp cho sự phát triển của xã hội bằng cách cung cấp các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng vượt trội, hữu ích cho cuộc sống của mọi người với giá cả hợp lý và số lượng vừa đủ. Ông tin rằng chủ sở hữu của một doanh nghiệp mang trên mình sứ mệnh như vậy không chỉ là bản thân doanh nghiệp đó, mà chính là xã hội, và điều này được thể hiện qua câu nói “Doanh nghiệp là một thực thể của xã hội”.

Nếu một doanh nghiệp được xem là “thực thể của xã hội”, thì các nguồn lực kinh doanh cần thiết cho các hoạt động của doanh nghiệp như nguồn nhân lực, tiền vốn, đất đai, vật tư, v.v... là do xã hội giao phó. Doanh nghiệp phải tận dụng các nguồn lực này một cách tốt nhất, từ đó tạo ra giá trị gia tăng từ các hoạt động của mình và đóng góp cho xã hội.

Người ta thường nghĩ rằng mục đích của doanh nghiệp là theo đuổi lợi nhuận. Tuy nhiên, Tập đoàn Panasonic xem lợi nhuận là “phần thưởng được xã hội trao tặng nhờ những đóng góp cho xã hội”. Nói cách khác, chúng tôi có thể hiểu rằng lợi nhuận tăng theo mức độ đóng góp cho xã hội. Ngược lại, nếu doanh nghiệp rơi vào trạng thái không tạo ra lợi nhuận thì có nghĩa là doanh nghiệp không hoàn thành trách nhiệm xã hội hoặc thiếu khả năng thực hiện trách nhiệm xã hội, khi đó doanh nghiệp cần phải thực hiện cải cách ngay lập tức.

Ngoài ra, doanh nghiệp vừa tiến hành kinh doanh vừa duy trì các mối quan hệ với nhiều hình thức khác nhau với nhiều bên liên quan như khách hàng, đối tác kinh doanh, cổ đông, xã hội, v.v... Vì một doanh nghiệp là một thực thể xã hội, việc khiến các bên liên quan phải chịu thiệt hại để đổi lấy sự phát triển của doanh nghiệp là điều không thể cho phép. Cách duy nhất để doanh nghiệp phát triển lâu dài là cùng tồn tại cùng phát triển cùng với tất cả các bên liên quan.

Những nhân viên làm việc trong doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội. Trong một xã hội luôn thay đổi, nếu nhân viên chỉ tuân thủ và làm theo các công việc được giao, thì doanh nghiệp không thể tiếp tục tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội để thực hiện trách nhiệm xã hội của họ. Mỗi nhân viên làm việc trong doanh nghiệp mỗi ngày đều cần cải thiện trong công việc dù chỉ là những điều nhỏ nhất, có như vậy thì cuộc sống của con người và xã hội mới được nâng cao và phát triển.