Triết lý kinh doanh cơ bản của Tập đoàn Panasonic 9. Quản lý bằng trí tuệ tập thể


    Tập đoàn Panasonic nhấn mạnh việc thực hiện triệt để “Quản lý trách nhiệm tự chủ”, điều này có nghĩa là mỗi nhân viên phải thực hiện theo tinh thần “Nhân viên làm chủ công việc”, với ý thức rằng bản thân nhân viên chính là người phụ trách, người quản lý đối với công việc của chính mình, đồng thời phải tập hợp trí tuệ của mọi người vào việc quản lý điều hành, tức là phát huy trí tuệ tập thể để điều hành quản lý. Nhà sáng lập cũng đã từng nói “Quản lý tốt nhất là quản lý bằng trí tuệ tập thể”.

    “Tinh thần trách nhiệm tự chủ” trong công việc là yếu tố không thể thiếu để thực hiện “Nhân viên làm chủ công việc”, mỗi nhân viên cần phải cố gắng hoàn thiện bản thân, hướng đến mục tiêu cho ra kết quả công việc vượt trội không thua bất cứ ai. Tuy nhiên, dù tài giỏi đến đâu thì trí tuệ của một người cũng có hạn. Tự cho mình là đúng khi quản lý và thực hiện công việc dù có thể tạm thời mang lại kết quả tốt đi nữa, thì điều này cũng không thể kéo dài, chắc chắn đến một lúc nào đó tư tưởng “chỉ có mình là đúng” sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực.

    Thay vào đó, việc tập hợp sức mạnh trí tuệ tập thể và nhanh chóng đưa ra những quyết định chất lượng cao chính là chìa khóa giúp chúng tôi có thể đóng góp lâu dài cho xã hội với tốc độ vượt trội không thua bất cứ ai.

    Để tập hợp trí tuệ tập thể thì điều quan trọng trước tiên là người trong vai trò cấp trên phải hợp tác với cấp dưới của mình và tận dụng điểm mạnh của từng nhân viên. Để phát huy tối đa tài năng của mọi người, cấp trên cần tin tưởng cấp dưới, giao cho họ trách nhiệm và quyền hạn lớn, luôn truyền đạt những yêu cầu phù hợp, và nâng cao nhận thức cho nhân viên để mỗi nhân viên có thể chủ động sáng tạo trong phạm vi mà họ phụ trách.

    Đồng thời phải nghiêm túc lắng nghe những đề xuất, kiến nghị của cấp dưới và cố gắng hết khả năng để tiếp thu. Nếu không thể sử dụng ý kiến đó thì phải giải thích đầy đủ lý do, và chú ý để cấp dưới có thể hoạt động tích cực hơn mà không làm mất đi động lực và tính độc lập của họ.

    Nhằm phổ biến chính sách của công ty và tổ chức, cấp trên cần áp dụng phương pháp “Tiếp cận từ trên xuống” (Top-Down) để truyền đạt những thông tin đó cho cấp dưới. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc cấp trên đưa ra chỉ thị và cấp dưới thực hiện theo thì chúng tôi sẽ không thể phát triển được. Vì vậy bên cạnh đó, phương pháp “Tiếp cận từ dưới lên” (Bottom-Up), tức là văn hóa mà cấp dưới cũng có thể nói những điều mà họ cần nói với cấp trên, là yếu tố không thể thiếu trong phương pháp toàn bộ nhân viên quản lý điều hành bằng cách tập hợp trí tuệ của số đông.

    Ngay cả khi bạn là nhân viên mới, bạn cũng cần có tinh thần “Nhân viên làm chủ công việc”, tức là mỗi người đều là chủ, là người quản lý của một chủ thể kinh doanh độc lập, và cấp dưới cũng cần chủ động tham gia vào việc quản lý bằng cách đề xuất những điểm cho rằng cần phải cải thiện, v.v...

Ngoài ra, việc tập hợp các ý kiến và nhận thức đa dạng cũng rất quan trọng. Để chúng ta, những người làm việc với khách hàng tại các thị trường khắp nơi trên thế giới, tiếp tục được khách hàng lựa chọn trong một xã hội ngày càng tiến bộ và phát triển, thì chính bản thân chúng tôi phải tiếp cận công việc từ những quan điểm, cách suy nghĩ đa dạng. Tính cách đa dạng sẽ tạo ra những ý kiến và nhận thức đa dạng. Chúng tôi phải chấp nhận và tôn trọng tính cách cá nhân của mỗi người.

    Bằng cách tận dụng sự đa dạng về tính cách, chúng tôi có thể tập hợp trí tuệ, từ đó tổ chức cũng có thể tiếp tục phát triển không ngừng. Nói cách khác, sự đa dạng sẽ làm tăng năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, để phát huy sự đa dạng, thì cấp trên cần phải xóa bỏ những rào cản khác nhau cản trở việc phát huy sự đa dạng cá nhân, và hỗ trợ để họ có cơ hội tiếp nhận thử thách.

    Để thực hiện triệt để phương pháp “Tiếp cận từ dưới lên” (Bottom-Up) trong tổ chức và phát huy sự đa dạng, thì chúng tôi cần phải hướng đến trạng thái mà mỗi người trong tổ chức đều có thể cảm thấy rằng “Trong tổ chức này, tôi có thể nói ra điều mình cần nói bất cứ khi nào”. Thay vì chỉ đơn giản thực hiện theo những định hướng của quản lý, và không nói ra những điều cần chia sẻ, phương pháp “Tiếp cận từ dưới lên” (Bottom-Up) khuyến khích nhân viên chia sẻ về các vấn đề, bất kể vị trí trong công việc, thảo luận một cách công khai về việc tương lai của tổ chức, và trao đổi ý kiến về định hướng phát triển. Đó là cốt lõi của việc tập hợp trí tuệ tập thể.

    Tiền đề để tập hợp trí tuệ tập thể là cả cấp trên và cấp dưới đều phải dối diện với sự việc một cách khách quan, thực tế, không bị ràng buộc bởi cảm xúc cá nhân hay nhận định thiếu khách quan. Nói cách khác, điều quan trọng là làm việc với một “tư duy mở” (sunao mind).

    Chúng tôi sẽ chung tay thực hiện phương pháp toàn bộ nhân viên quản lý điều hành bằng trí tuệ tập thể thực sự trong tất cả các bộ phận của Tập toàn, để mang lại sản phẩm chất lượng, chi phí, và dịch vụ vượt trội không thua bất cứ ai, và được khách hàng lựa chọn.