Triết lý kinh doanh cơ bản của Tập đoàn Panasonic 6. Áp dụng Triết lý kinh doanh cơ bản

Chúng tôi chỉ có thể nắm vững Chính sách kinh doanh cơ bản bằng cách áp dụng vào thực tế. Cựu Chủ tịch Takahashi Arataro đã từng chia sẻ: “Nếu chỉ học thuộc lòng thôi thì cũng không có ích gì. Để biến chính sách thành “cơ sở” vững chắc, chúng tôi phải thực hành và ghi nhớ thông qua hành động”, và bản thân ông cũng đã áp dụng triết lý này trong quá trình tái thiết và phát triển của các công ty trong Tập đoàn.

Phần này sẽ giải thích những điểm chính cần được hiểu rõ để làm tiền đề cho việc áp dụng triết lý kinh doanh cơ bản.

(1) Hình dung về “tương lai cần đạt được” và theo đuổi giá trị cốt yếu của khách hàng

Mục tiêu của chúng tôi là hiện thực hóa “xã hội lý tưởng” sung túc về cả vật chất lẫn tinh thần. Điều này cũng tương tự đối với từng công việc kinh doanh, nghĩa là doanh nghiệp cần phải hình dung về tương lai lý tưởng tương ứng với từng hoạt động kinh doanh, và nỗ lực để đạt được điều đó.

Tương lai lý tưởng ở đây không phải là sự mở rộng của hoàn cảnh hiện tại, cũng không phải là điều được xem xét từ quan điểm của riêng chúng ta. Cuộc sống của con người, xã hội và môi trường toàn cầu trong tương lai sẽ như thế nào, chúng tôi cần làm gì để con cháu chúng ta có được cuộc sống sung túc hơn cả về vật chất và tinh thần? Chúng tôi cần lấy con người làm trung tâm để hình dung một tương lai cần đạt được.

Từ đó tính toán ngược lại xem hoạt động kinh doanh của chúng tôi cần đóng góp như thế nào, cần cải cách hoạt động kinh doanh của mình và nâng cao năng lực cạnh tranh như thế nào để hữu dụng không thua kém bất cứ đối thủ nào, cần phải thực hiện những biện pháp gì để đạt được điều đó, chúng tôi cần suy nghĩ về các vấn đề đó và triệt để thực hiện.

Để hiện thực hóa tương lai lý tưởng thông qua các sản phẩm và dịch vụ cụ thể của hoạt động kinh doanh của mình, chúng tôi cần phải theo đuổi giá trị cốt yếu cho khách hàng. Theo đuổi giá trị cốt yếu cho khách hàng không phải là theo đuổi hiệu suất hoặc chất lượng quá mức. Điều đó cũng không có nghĩa là chỉ thực hiện đúng như những gì khách hàng yêu cầu. Mà đó là việc thực sự gắn bó với khách hàng, nhìn rõ bản chất của các vấn đề và nỗi khó khăn của khách hàng cũng như tương lai của họ để nhận ra những gì thực sự hữu ích cho khách hàng.

Chúng tôi cần phải lắng nghe tiếng nói của khách hàng hiện tại và cải thiện sản phẩm của chúng tôi từ quan điểm của khách hàng. Mặt khác, “thật sự gắn bó với khách hàng” có nghĩa là phải nghĩ đến việc thay đổi cuộc sống và xã hội tương lai như thế nào vì lợi ích của khách hàng, và mạnh dạn đón nhận thử thách để đạt được điều đó.

Tập đoàn Panasonic có nhiều hoạt động kinh doanh đã phát triển dựa trên cách tiếp cận này. Ví dụ, có thể nói đến hoạt động kinh doanh mô tơ. Vào những năm 1930, nhà sáng lập đã hình dung một tương lai trong đó mỗi ngôi nhà sử dụng trung bình 10 mô tơ, dựa trên tương lai mà ông nghĩ rằng chắc chắn sẽ đến đó, ông đã bắt đầu công việc kinh doanh mô tơ. Đồng thời, ông đã đặt mục tiêu cung cấp radio đến nhiều gia đình với giá chỉ bằng một nửa so với mẫu thông thường nhằm giúp “mọi người tiếp cận thông tin dễ dàng hơn” và đã thành công trong việc giảm một nửa chi phí.

Con đường dẫn tới tương lai cần đạt được là một con đường rất dài và khó khăn. Trên thực tế, công việc kinh doanh mô tơ bắt đầu từ con số không và từ đầu đã không đạt được thành công trong thời gian dài, vì thế trong công ty, mọi người bảo nhau rằng “nên đóng cửa nhà máy”.

Tuy nhiên, cựu Chủ tịch Takahashi Arataro đã nói chuyện với tất cả nhân viên của bộ phận kinh doanh mô tơ về việc thực hành Triết lý kinh doanh cơ bản, nghĩa là cần đạt được chất lượng, chi phí, và dịch vụ không thua kém bất cứ ai. Tất cả mọi người trong khối sản xuất, công nghệ và bán hàng đều hưởng ứng và nỗ lực hết mình để cải thiện, kết quả là công việc kinh doanh này đã đạt được sự phát triển vượt bậc đến mức dù gia tăng sản xuất rất nhiều nhưng vẫn không đủ cung ứng. Mặc dù mất khoảng 20 năm để đạt được điều đó, nhưng sự phát triển của công việc kinh doanh mô tơ đã góp phần rất lớn vào sự phát triển của công việc kinh doanh thiết bị điện gia dụng sau này.

Bằng cách như vậy, chúng tôi phải hình dung ra tương lai cần đạt được trong mỗi công việc kinh doanh và theo đuổi giá trị cốt yếu cho khách hàng.

(2) Thực hiện “công bằng xã hội” và “cùng tồn tại, cùng thịnh vượng”

Chúng tôi thực hiện hoạt động kinh doanh dựa trên nguồn lực kinh doanh nhận được từ xã hội, vì thế chúng tôi phải quản lý phù hợp những nguồn lực này vì lợi ích xã hội, và hoàn thành đầy đủ trách nhiệm của mình đối với các bên liên quan.

Bên cạnh việc chúng tôi không được vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội, chúng tôi phải luôn suy nghĩ về “điều gì phù hợp cho lợi ích xã hội”, học những kiến thức đúng đắn và áp dụng vào thực tế. Nhà sáng lập đã nhấn mạnh tầm quan trọng của điều này bằng thuật ngữ “công bằng xã hội”. Với tiền đề chính là bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên, việc không ngừng thực hiện “công bằng xã hội” sẽ đóng góp cho sự phát triển thực sự của xã hội, của ngành công nghiệp, và của các đối tác kinh doanh.

Ngoài ra, chúng tôi phải thực hiện mục tiêu hướng tới sự thịnh vượng và phát triển cùng nhau trong mối quan hệ với các công ty cung cấp nguyên vật liệu, công ty cùng phát triển hỗ trợ công việc của chúng ta, công ty phái cử, nhà thầu, đại lý và cửa hàng bán sản phẩm, v.v..., vốn có liên quan đặc biệt chặt chẽ đến hoạt động kinh doanh của chúng ta.

Là những đối tác cùng hướng tới mục tiêu phát triển xã hội, điều quan trọng là cần phải trao đổi thẳng thắn và thấu hiểu lẫn nhau giữa các bên liên quan, và mở mang kiến thức cho nhau về sản phẩm, công nghệ, cải tiến quy trình, v.v... Bằng cách này, mỗi bên sẽ vừa duy trì tính độc lập, vừa có thể hợp tác với nhau, cùng nhau phát triển và phát huy sức mạnh toàn diện, từ đó thực hiện được vai trò to lớn hơn cho xã hội. Đây chính là tư duy cơ bản về “cùng tồn tại, cùng thịnh vượng” trong Tập đoàn Panasonic.

(3) Loại bỏ lãng phí, trì trệ, lỗi sai

Từ góc độ lợi nhuận của chúng tôi được đề cập trong phần “1. Sứ mệnh của doanh nghiệp”, tình trạng lỗ cần được xem như là “tội lỗi”. Tuy nhiên, dù công việc kinh doanh có lợi nhuận nhiều thế nào chăng nữa, nhưng nếu công việc đó có nhiều lãng phí, trì trệ thì thực sự doanh nghiệp đang đánh mất cơ hội có được lợi nhuận cao hơn và chỉ bằng lòng với thực tại. Điều này cũng là “tội lỗi”, nếu xét ở khía cạnh bỏ lỡ cơ hội tạo ra tiền để trả lại những gì vốn thuộc về nhân viên, cổ đông, và xã hội hoặc đóng góp cho nhiều khách hàng hơn và đóng góp cho xã hội tương lai.

Theo đó, tình trạng lỗ đương nhiên sẽ là tội lỗi, nhưng hơn thế nữa, riêng bản thân việc gây lãng phí, trì trệ, lỗi sai trong công việc đối với hoạt động kinh doanh cũng là “tội lỗi”. Công việc của mỗi người dù nhỏ đến đâu cũng đều tồn tại lợi ích đối với xã hội và luôn gắn liền với sự phát triển của xã hội.

Theo cách nghĩ này, chúng tôi không được phép lãng phí một điểm nào trong các hoạt động kinh doanh, hàng ngày, mỗi người chúng tôi phải ý thức được từng điểm lãng phí nhỏ nhất trong từng giây, và cải thiện để loại bỏ lãng phí. Vì vậy, chúng tôi cần hiểu rằng dù xử lý 1 chiếc đinh vít hay 1 tờ giấy thì công việc đó cũng phải đóng góp sự phát triển của xã hội, chúng tôi phải luôn nỗ lực hoàn thành công việc một cách tốt nhất.

Tất nhiên, cách thức thực hiện công việc sẽ thay đổi theo thời đại, nhưng trong thời đại nào thì chúng tôi cũng phải tăng tốc độ làm việc và hoạt động kinh doanh lên, tăng cường khả năng cạnh tranh và đóng góp cho xã hội bằng cách loại bỏ triệt để lãng phí, trì trệ, lỗi sai.

(4) Thích nghi với sự thay đổi của xã hội

Xã hội đang thay đổi từng ngày, và tốc độ thay đổi ngày càng nhanh qua từng năm. Trong những thay đổi đó, một số điều đang giảm dần hoặc biến mất, một số khác mới được tạo ra, nhưng xét về tổng thể, có thể nói xã hội luôn không ngừng biến đổi và phát triển.

Ngoài ra, có nhiều vấn đề xã hội phát sinh do tác động tiêu cực của sự phát triển, chẳng hạn như vấn đề môi trường toàn cầu trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nếu chúng tôi xác định rằng những vấn đề như vậy cần được giải quyết và hướng đến việc thích nghi tốt hơn và tìm những con đường mới, chúng tôi có thể nói rằng xã hội của chúng tôi vẫn đang tiếp tục phát triển và thay đổi từng ngày. Nhà sáng lập cho rằng nguyên tắc “hình thành và phát triển” có thể áp dụng cho mọi điều trên thế giới.

Để đạt được “xã hội lý tưởng” sung túc về cả vật chất lẫn tinh thần, ở từng hoạt động kinh doanh, chúng tôi phải hình dung ra tương lai cần đạt được, nhìn vào tương lai của khách hàng và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thực sự hữu ích cho họ. Trong quá trình đó, chúng tôi sẽ phải đối mặt với những thay đổi có thể trở thành cơ hội hoặc thách thức đối với chúng ta.

Khi đối mặt với những thay đổi và dấu hiệu đó, chúng tôi không thể nắm bắt một cách hời hợt những gì đang xảy ra, mà trước tiên chúng tôi cần nắm bắt sự việc một cách khách quan theo đúng bản chất, đối mặt trực diện để hiểu được dòng chảy lớn phía sau. Để thích nghi với sự thay đổi, đôi khi chúng tôi phải nghĩ đến việc từ bỏ những phương pháp dù đó là những phương pháp vẫn luôn hoạt động tốt từ trước đến nay.

Chúng tôi phải can đảm từ bỏ những gì cần từ bỏ, và bắt đầu mỗi ngày với cảm xúc mới, phương pháp mới, hướng đến “ngày mới”. Với tinh thần như vậy, chúng tôi cần để tâm đến những thay đổi của xã hội, từ đó tiếp tục đón nhận thử thách với lòng nhiệt huyết.