Triết lý kinh doanh cơ bản của Tập đoàn Panasonic 7. Tầm quan trọng của khách hàng
Tất cả các hoạt động kinh doanh đều hình thành từ việc khách hàng lựa chọn và mua các sản phẩm, dịch vụ. Điều này đúng với cả trường hợp bán sản phẩm đơn lẻ và trường hợp ký hợp đồng cung cấp dịch vụ định kỳ.
Vì thế, những người kinh doanh như chúng tôi phải luôn suy nghĩ theo quan điểm của khách hàng thân thiết, cung cấp dịch vụ chân thành, đáp ứng kịp thời và phù hợp với bất cứ vấn đề nào xảy ra.
Chỉ khi chúng tôi thực hiện được tinh thần đó tốt hơn bất kỳ ai khác thì chúng tôi mới có được niềm tin của khách hàng và tiếp tục được khách hàng lựa chọn. Ngoài ra, nếu sự hài lòng của khách hàng, như “Tôi rất vui vì đã chọn Panasonic” được lan rộng, thì điều đó có nghĩa là hoạt động kinh doanh của chúng tôi sẽ có thể tăng trưởng và phát triển.
Nhà sáng lập đã để lại nhiều câu nói về tinh thần đối với việc kinh doanh, và trong số đó, ông nói về tư duy “Tầm quan trọng của khách hàng” như sau.
・Giá trị tồn tại của doanh nghiệp nằm ở việc mang lại niềm vui cho khách hàng
Việc bán một sản phẩm cho khách hàng không chỉ đơn giản là thuyết phục họ về giá trị của sản phẩm mà còn phải mang lại niềm vui và cảm giác an toàn cho họ. Niềm vui này có giá trị vô cùng to lớn. Vì vậy, chúng tôi phải suy nghĩ cẩn thận về cách giao tiếp và cách cung cấp dịch vụ. Bằng cách làm việc như vậy, chúng tôi cũng có thể nhận được niềm vui khác ngoài lợi nhuận.
・Trở thành đại diện mua hàng cho khách hàng
Khi làm công việc kinh doanh, chúng tôi cần phải kiểm tra cẩn thận các sản phẩm mà chúng tôi bán ra và bán sản phẩm với phong thái tự tin, đó là điều đương nhiên, nhưng điều quan trọng là chúng tôi phải đặt mình vào vị trí của người mua, và kiểm tra sản phẩm như thể chúng tôi là đại diện mua hàng cho khách hàng. Nếu chúng tôi giả định bản thân là đại diện mua hàng của khách hàng, chúng tôi sẽ có thể kiểm tra sản phẩm trong khi biết khách hàng hiện tại cần gì, họ muốn sản phẩm như thế nào và số lượng bao nhiêu, nhờ đó chúng tôi có thể dễ dàng mang lại lợi ích cho khách hàng.
・Sự phát triển được tạo nên từ tinh thần trân trọng khách hàng
Niềm vui khi được khách hàng khen ngợi những sản phẩm mà chúng tôi đã dày công làm ra còn lớn hơn cả niềm vui khi bán được sản phẩm. Bất kể công ty phát triển lớn mạnh đến đâu, mỗi nhân viên đều cần phải khiêm tốn lắng nghe nhu cầu của khách hàng. Bằng cách đó, chúng tôi sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ hơn từ khách hàng, sự ủng hộ đó sẽ dần dần được lan truyền đi, và nhờ đó công ty sẽ phát triển.
・Nếu công ty không trân trọng khách hàng, công ty sẽ sụp đổ
Giả sử có hai nhà hàng mì udon với mức giá tương đương nhau, một nhà hàng thì tử tế và chăm sóc khách hàng tốt, còn một nhà hàng thì thiếu sự quan tâm dành cho khách hàng, thì nhà hàng nào sẽ được khách hàng ghé đến nhiều hơn? Câu trả lời chính là nhà hàng trân trọng khách hàng. Cho dù Matsushita Electric phát triển lớn mạnh như thế nào, thái độ thực sự của công ty cũng không được thay đổi, vẫn phải giống như thái độ của nhà hàng udon luôn trân trọng khách hàng. Nếu mọi người đều chỉ tự hào về nguồn nhân lực, tự hào về doanh số bán hàng mà quên đi nhiệm vụ và đối xử không tốt với khách hàng, thì công ty chắc chắn sẽ sụp đổ.
Bất kể công ty phát triển lớn mạnh đến mức nào và tổ chức trở nên phức tạp đến đâu, mỗi người trong chúng tôi đều phải thực hiện công việc hàng ngày của mình với tinh thần trân trọng khách hàng. Ngoài ra, nếu có hoạt động kinh doanh không tăng trưởng, chúng tôi phải nghĩ rằng nguyên nhân là do chúng tôi không thực sự tiến hành kinh doanh với tinh thần trân trọng khách hàng hoặc có vấn đề ở khâu nào đó đã khiến chúng tôi không có được niềm tin trọn vẹn của khách hàng, và chúng tôi phải điều tra những nguyên nhân đó, sau đó nhanh chóng sửa đổi.
- 1. Sứ mệnh của doanh nghiệp
- 2. Sứ mệnh của Tập đoàn Panasonic và những việc cần làm ngay bây giờ
- 3. Mục tiêu quản trị cơ bản
- 4. Tinh thần của công ty, Bảy phương châm xử thế
- 5. “Triết lý kinh doanh cơ bản” của Tập đoàn Panasonic
- 6. Áp dụng Triết lý kinh doanh cơ bản
- 7. Tầm quan trọng của khách hàng
- 8. Quản lý điều hành có trách nhiệm và tự chủ
- 9. Quản lý bằng trí tuệ tập thể
- 10. Phát triển và phát huy khả năng con người