Triết lý kinh doanh cơ bản của Tập đoàn Panasonic 8. Quản lý điều hành có trách nhiệm và tự chủ


    Tại Tập đoàn Panasonic, việc quản lý không chỉ là trách nhiệm của riêng người quản lý. Mỗi nhân viên trong chúng tôi đều tự xem mình là người phụ trách, người quản lý công việc của bản thân khi thực hiện công việc, tuân thủ chính sách của công ty, đồng thời quản lý công việc một cách tự chủ và có trách nhiệm. Đây là tư duy cơ bản về quản lý điều hành có trách nhiệm và tự chủ.

    Trong mọi tổ chức của chúng ta, dựa trên triết lý và chính sách của tổ chức cấp cao hơn, mỗi người cần làm việc với ý thức rằng đó là công việc của chính họ và không ngừng cải thiện. Quản lý điều hành có trách nhiệm và tự chủ là một trong những nền tảng của hoạt động quản lý của Tập đoàn Panasonic, đồng thời cũng là văn hóa nuôi dưỡng nguồn nhân lực.

    Về chìa khóa để thực hiện triệt để việc quản lý điều hành có trách nhiệm và tự chủ trong hoạt động kinh doanh, Nhà sáng lập đã nói rằng: “Trước hết, bản thân người quản lý phải có ý thức vững chắc về sứ mệnh, và triết lý quản lý, đồng thời kêu gọi, làm cho nhân viên thấm nhuần những điều đó”, “Người quản lý cần mạnh dạn giao việc cho cấp dưới để họ có thể làm việc một cách tự chủ với trách nhiệm và quyền hạn của bản thân”.

    Khi người ta tìm ra được những điều họ cần làm, nhận thức được ý nghĩa của việc đạt được thành tựu và cảm thấy có động lực mạnh mẽ, họ sẽ sẵn sàng tập trung trí tuệ, tích lũy kinh nghiệm và tạo nên những tiến bộ vượt trội. Vì vậy, cấp trên cần phải cố gắng tạo ra nguồn động lực đó cho nhân viên cấp dưới khi giao việc cho họ. Điều này sẽ giúp mỗi người cảm nhận được ý nghĩa của công việc, từ đó sẽ có được niềm vui và hạnh phúc thông qua công việc, đây chính là khái niệm cơ bản của việc quản lý điều hành có trách nhiệm và tự chủ.

    Nhà sáng lập đã sử dụng thuật ngữ “Nhân viên làm chủ công việc” để mô tả cách mỗi nhân viên tiếp cận công việc của mình, và kêu gọi họ làm việc, xem xét và đưa ra quyết định với tinh thần “mỗi người đều là người chủ và là người quản lý của một chủ thể kinh doanh độc lập”.

    Về việc thực hiện Nhân viên làm chủ công việc, mỗi người cần trong chúng tôi cần phải có tinh thần trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ của mình, dành toàn bộ năng lực để tạo ra các phương pháp và phương tiện tốt hơn, sau đó mạnh dạn áp dụng để hoàn thành sứ mệnh đó là đạt được kết quả cao hơn.

    Ogawa Morimasa, người từng phụ trách mảng kinh doanh lò vi sóng từ khi thành lập bộ phận kinh doanh và nâng lên thành một mảng kinh doanh toàn cầu, sau đó trở thành chủ tịch của Matsushita Housing Products, đã gọi đó là tinh thần trách nhiệm tự chủ. Mỗi người trong chúng tôi cần luôn áp dụng tinh thần trách nhiệm tự chủ này, bằng cách đó chúng tôi có thể tập trung và đóng góp cho công việc của mình.

    Ngoài ra, khi nhà sáng lập truyền đạt đến các nhân viên trẻ về tinh thần Nhân viên làm chủ công việc, ông ví một chủ thể kinh doanh độc lập với “Cửa hàng Yonaki udon*” và kêu gọi mọi người nỗ lực và nhiệt tình giống như việc chủ động bán mì udon, mở lời hỏi khách hàng “Hương vị hôm nay thế nào?”, liên tục cải thiện dựa trên những điều nghe được từ khách hàng.

    Ngay cả khi là thành viên của một tổ chức lớn, nếu chúng tôi chỉ làm công việc được giao và tuân theo cơ chế, quy trình đã định thì vẫn chưa đủ. Để làm cho công việc trở nên tốt hơn, mỗi người trong chúng tôi cần phải suy nghĩ và liên tục cải thiện.

    Trong một xã hội không ngừng thay đổi và phát triển qua từng ngày, nếu chỉ làm việc với cách suy nghĩ và quan điểm của bản thân thì chúng tôi sẽ không thể tiếp tục được khách hàng lựa chọn. Chúng tôi phải nghĩ rằng “Những điều tốt nhất của ngày hôm nay thì qua ngày mai sẽ không còn là tốt nhất nữa. Vào ngày mai, chúng tôi phải tạo ra những điều tốt nhất của ngày mai”, và liên tục hướng tới những tầm cao mới.

    *Là kiểu cửa hàng udon kinh doanh quầy hàng di động vào ban đêm. Tiếng chuông phát ra từ quầy được gọi là “Yonaki”.

    Hệ thống lại hoạt động kinh doanh theo bộ phận” được áp dụng vào năm 1933 chính là tiêu biểu cho tư duy quản lý trách nhiệm tự chủ một cách cụ thể. Đây là một hệ thống được vận hành theo cấu trúc lợi nhuận độc lập, trong đó chia công ty thành các bộ phận theo sản phẩm, mỗi bộ phận tự chịu trách nhiệm về mọi quy trình từ phát triển đến sản xuất, bán hàng và quản lý thu chi. Các bộ phận kinh doanh được yêu cầu tự quản lý trách nhiệm của mình, điều này dẫn đến sự phát triển của các nhà quản lý bộ phận kinh doanh và nhân viên của họ, tạo nên Tập đoàn Panasonic ngày nay.