Triết lý kinh doanh cơ bản của Tập đoàn Panasonic 2. Sứ mệnh của Tập đoàn Panasonic và những việc cần làm ngay bây giờ

Nhà sáng lập của chúng tôi vẫn luôn suy ngẫm về sứ mệnh thực sự của hoạt động kinh doanh, vào ngày 5/5/1932, ông đã tập hợp tất cả các nhân viên vào thời điểm đó và đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ. Tập đoàn Panasonic gọi đây là “Meichi”, sự tuyên bố về sứ mệnh của tập đoàn.

Nhà sáng lập cho biết: “Sứ mệnh của các nhà sản xuất công nghiệp như chúng tôi là thoát khỏi đói nghèo và gia tăng sự sung túc cho xã hội, chỉ có như vậy thì doanh nghiệp mới được phép phát triển”, giống như nước máy ở Nhật Bản lúc bấy giờ, ông kêu gọi thoát khỏi đói nghèo bằng cách giảm giá hàng hóa tối đa. Nói cách khác, xóa đói nghèo có thể được thực hiện bằng cách tăng cường sản xuất để cung cấp thật nhiều hàng hóa cho xã hội.

Tuy nhiên, ý nghĩa thực sự mà nhà sáng lập muốn đưa vào Triết lý nước máy này chính là: “Hạnh phúc của con người được duy trì và tiếp tục tăng lên nhờ sự sung túc cả về vật chất và tinh thần. Chỉ khi tinh thần an ổn đi cùng với vật chất được cung cấp không bị giới hạn thì con người mới có được hạnh phúc thực sự”.

Để đạt được sứ mệnh này, nhà sáng lập đã đặt ra “kế hoạch 250 năm”, bao gồm 10 giai đoạn kế tiếp của 25 năm, với mục tiêu xây dựng nên “vùng đất của hòa bình và thịnh vượng”, hay còn gọi là “xã hội lý tưởng”. Hơn nữa, kế hoạch 250 năm không nên kết thúc sau 250 năm đầu tiên mà cần tiếp tục trong 250 năm tiếp theo nữa, với nỗ lực hướng tới những gì lý tưởng hơn, tốt đẹp hơn phù hợp với thời đại.

Mặc dù “Triết lý nước máy” được hình thành từ cách đây khoảng 90 năm, nhưng mục tiêu hướng tới sự sung túc cả về vật chất và tinh thần vẫn còn nguyên giá trị ngay trong thời đại ngày nay.

Trên thực tế, có rất nhiều xã hội luôn tràn đầy vật chất, nhất là ở các nước phát triển, nhưng nếu đặc biệt xét về tốc độ tàn phá môi trường và cạn kiệt năng lượng diễn ra nhanh chóng qua từng năm, thì vẫn còn nỗi bất an rất lớn về việc liệu con cháu chúng ta và thậm chí cả thế hệ sau nữa có được sống cuộc sống sung túc như bây giờ không.

Cho đến ngày nay, chúng tôi đã tập trung chủ yếu vào việc theo đuổi sự sung túc dựa trên việc cung cấp hàng hóa. Nhưng chúng tôi cần nhận thấy rằng điều đó vẫn còn cách xa “xã hội lý tưởng” theo tầm nhìn của Nhà sáng lập. Tuy nhiên, chúng tôi không thể thay đổi những gì đã qua. Chúng tôi phải một lần nữa hình dung lại “xã hội lý tưởng” nơi sung túc cả về vật chất lẫn tinh thần, “vật chất và tinh thần hòa làm một”, đồng thời phấn đấu để hiện thực hóa một xã hội như vậy.

Để hiện thực hóa “xã hội lý tưởng”, chúng tôi cần phải thẳng thắn đối mặt với các vấn đề xã hội trong từng thời kỳ, và góp phần giải quyết các vấn đề đó. Trên hết, vấn đề môi trường toàn cầu chính là vấn đề cần được giải quyết với mức độ ưu tiên cao nhất trong thế kỷ 21.

Tập đoàn Panasonic từ lâu đã quan tâm đến vấn đề môi trường và là doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới ban hành Điều lệ về môi trường vào năm 1991. Trong tương lai, để trở thành công ty đi đầu trong việc đưa ra giải pháp đối với các vấn đề môi trường, chúng tôi cần tích cực thúc đẩy nỗ lực từ nhiều khía cạnh khác nhau, chẳng hạn như giảm thiểu gánh nặng môi trường từ các sản phẩm và dịch vụ, cắt giảm năng lượng sử dụng trong hoạt động sản xuất.